Chi phí đầu tư cao tốc: “Mấy bộ công khai với nhau là không chấp nhận được”
Theo ông Hồ, để kiểm soát được suất đầu tư, quan trọng nhất là phải quản lý từ khâu lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi đến khâu cuối cùng… Ông Hồ nói: “Làm như vậy mới giảm suất đầu tư và nâng hiệu quả lên, đi đôi với hiệu quả kinh tế…”.
Chuyên gia ủng hộ phương án thi công thí điểm 1km đường cao tốc, để hội đồng nghiệm thu xác định chi phí đầu tư đúng thực tế, từ đó xây dựng “khung” mức đầu tư.
Mới đây, một số đại biểu Quốc hội cho hay với mức 12 triệu USD/km, suất đầu tư bình quân của đường cao tốc Việt Nam đắt gấp 2-4 lần Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, với dự án cao tốc Bắc – Nam quy mô 6 làn xe, suất đầu tư bình quân khoảng 200 tỷ đồng/km, tương đương 9,5 triệu USD/km (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Ông Nghĩa khẳng định, suất đầu tư này là thấp. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc này.
Cần công khai, minh bạch với công luận
Là một chuyên gia ngành GTVT, TS Phạm Sanh cho rằng, suất đầu tư cao tốc ở Việt Nam đã từng nóng ở nghị trường Quốc hội từ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Tuy nhiên, các con số đưa ra ở trên chỉ là tham khảo.
Để xác định suất đầu tư cần dựa vào nhiều yếu tố như chất lượng, thời gian đầu tư, địa chất, địa hình, công nghệ… nên Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc đều không có con số cụ thể về mức chi phí cho 1km đường cao tốc.
Theo TS Phạm Sanh, câu chuyện đáng bàn ở đây là Bộ GTVT cần giải thích tại sao vốn đầu tư của các dự án đường cao tốc ở Việt Nam làm sau lại cao hơn dự án trước. Chẳng hạn đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương dài 62km thì 40km đường cao tốc trong đó được đầu tư 10.000 tỷ đồng. Đến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với chiều dài 57km lại được đầu tư với mức 32.000 tỷ đồng. Dù mức đầu tư tăng nhưng người dân lại thấy chất lượng đi xuống.
Về thắc mắc các suất đầu tư dự án giao thông, cao tốc ở Việt Nam cao, TS Phạm Sanh cho rằng, Bộ GTVT cần minh bạch tổng mức đầu tư; mời các chuyên gia trong ngành có kinh nghiệm để đánh giá việc phân bổ dòng tiền, tính hợp lý của phương án tài chính; lãi suất, phân bổ vay thế nào…
Suất đầu tư trung bình của cao tốc của Việt Nam cao hơn các nước.
Trong ảnh là dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh: Viết Long
Làm thí điểm 1km đường để xác định “khung”
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), TS Lưu Bích Hồ cũng nhìn nhận trong thời kỳ phát triển như Việt Nam hiện nay, suất đầu tư cao tốc có thể cao gấp đôi các nước. Cũng có tình trạng chất lượng các công trình giao thông tại Việt Nam kém hơn dù cùng một suất đầu tư.
Theo ông Hồ, để kiểm soát được suất đầu tư, quan trọng nhất là phải quản lý từ khâu lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi đến khâu cuối cùng… Ông Hồ nói: “Làm như vậy mới giảm suất đầu tư và nâng hiệu quả lên, đi đôi với hiệu quả kinh tế…”.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, GS Võ Đại Lược cho biết, ông ủng hộ phương án Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng thi công thí điểm 1km đường. Sau đó, hội đồng nghiệm thu sẽ kiểm tra chính xác, công khai, minh bạch… để xác định chi phí đầu tư đúng thực tế, từ đó xây dựng “khung” để tính mức đầu tư.
Ngoài ra, ông Lược cũng cho rằng cần công khai, minh bạch, kiểm tra giám sát đối với các dự án giao thông. Ông Lược nhấn mạnh: “Hiện nay việc để Bộ GTVT và Bộ Tài chính quyết định việc này là không ổn, dễ hình thành lợi ích nhóm. Việc công khai, minh bạch mấy bộ với nhau là không được mà cần công khai với giới công luận…”.
Giá cao do nhiều đường giao nhau
Việc tính giá các suất đầu tư giữa các năm sẽ khác nhau nhưng đều phải quy đổi về năm hiện tại. Chẳng hạn, suất đầu tư được công bố vào năm 2016 nhưng phải quy đổi theo mức giá của năm 2017 khi tính giá. Ví dụ, theo thông cáo báo chí của châu Âu, 11 năm trước, giá của đường 6 làn xe là 10 triệu USD nhưng giá làn xe hiện nay được tính theo đơn giá 4 triệu USD/làn/km. Như vậy, tính ra, giá của đường 6 làn xe sẽ 24 triệu USD/km.
Suất đầu tư mà Bộ GTVT và đại biểu đưa ra chỉ để tham khảo vì nó phụ thuộc vào nguồn vật liệu xây dựng của từng khu vực, thủy văn, địa hình, địa chất của từng khu vực… Do đó, con số trên không nói lên điều gì.
Suất đầu tư cao tốc của Việt Nam hoàn toàn tương đương với khu vực với những số liệu hiện tại. So với các nước, có dự án đắt nhưng có dự án rẻ hơn. Suất đầu tư cao do nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là do Việt Nam nhiều mức giao (ngã ba, ngã tư hay các đường hầm…). Bởi nguyên tắc khi thực hiện dự án, địa phương nào cũng muốn kết nối với các nút giao thông khác mức. Mỗi mức giao có giá khoảng 300-400 tỷ đồng. Điều này khiến mức giá chung bị đẩy lên.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (Bộ GTVT)
Leave a Reply